Skip to main content

Banking as a service - BaaS: Trào lưu ngân hàng theo hướng dịch vụ

1. Định nghĩa

BaaS là một dịch vụ theo yêu cầu cho phép người dùng truy cập các dịch vụ tài chính (ví dụ thanh toán và dữ liệu ngân hàng) qua internet bằng giao diện lập trình ứng dụng (API) và hệ thống dựa trên đám mây.

Nếu như ngân hàng mở cung cấp quyền truy cập vào dữ liệu của các khách hàng hiện có của ngân hàng, thì BaaS cung cấp quyền truy cập vào chức năng hoạt động của ngân hàng, vì vậy các công ty phi ngân hàng có thể kết nối người dùng bên ngoài ngân hàng thông qua tích hợp các công đoạn dịch vụ ngân hàng đó cung cấp. Có hai loại nhà cung cấp BaaS: Công ty fintech tập trung vào BaaS và BaaS có giấy phép ngân hàng.

2. Lợi ích của BaaS

Có thể thấy rõ, Baas đem lại nhiều lợi ích cho các ngân hàng, công ty fintech và người sử dụng.

Với các tổ chức ngân hàng

Khi ngân hàng mở trở nên phổ biến, bằng việc cho phép sử dụng API để chia sẻ dữ liệu với bên thứ ba, BaaS tạo ra một luồng doanh thu mới. Thực tế cho thấy, 43% ngân hàng thích làm việc trong mô hình cho phép họ tính phí trên mỗi giao dịch API. Hơn nữa, không cần đầu tư nhiều nguồn lực để phát triển công nghệ, ngân hàng vẫn có quyền truy cập vào các giải pháp có sẵn từ đối tác và các bên thứ ba. Đồng thời nắm bắt được nhu cầu và hành vi khách hàng, từ đó cung cấp sản phẩm riêng biệt cho từng đối tượng. Theo báo cáo của Elipson, khoảng 80% khách hàng có xu hướng mua hàng khi sản phẩm được cá nhân hoá.  

Các công ty Fintech 

Không cần một khoản vốn khổng lồ hay giấy phép hoạt động, các công ty Fintech vẫn có thể tiếp cận được thông tin và cung cấp các dịch vụ tài chính cho khách hàng. Trên thực tế, theo Accenture có khoảng 43% khách hàng lựa chọn ngân hàng là nơi cầm giữ tài sản của họ trong dài hạn. Vậy nên, khi tích hợp với ngân hàng, các công ty Fintech có thể tận dụng niềm tin của người dùng để gia tăng lượng khách hàng của công ty. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu khách hàng bằng việc xây dựng dịch vụ theo hướng đổi mới, sáng tạo, giải quyết cụ thể từng vấn đề.

Với người sử dụng

Bằng việc cho phép các tổ chức phi ngân hàng cung cấp các dịch vụ của “core banking”, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp được đẩy lên cao, thúc đẩy quá trình đổi mới và chất lượng sản phẩm dành cho khách hàng. Hơn nữa, với nhu cầu của người dùng ngày nay, phần lớn là những người hiểu biết và đam mê công nghệ, luôn muốn truy cập thông tin nhanh chóng và kịp thời. Việc này đòi hỏi các công ty cần không ngừng cải thiện, nâng cao trải nghiệm nghiệm người dùng.

3. Cơ hội và thách thức của BaaS tại Việt Nam

Covid-19 ngoài gây ra những hậu quả kinh khủng cũng khiến cho quá trình chuyển đổi số và BaaS có cơ hội được tăng tốc hơn ở trên thế giới và Việt Nam. Theo nghiên cứu của Capgemini, hơn một nửa (57%) khách hàng thích Internet banking, tăng từ 49% trước COVID-19; Người dùng cũng ưa chuộng các ứng dụng ngân hàng di động trong thời điểm giãn cách xã hội, tăng từ 47% lên 55%. Nghiên cứu đồng thời chỉ ra trong bối cảnh dịch bệnh, khách hàng có xu hướng chuyển sang bigtech và fintech, với 30% người dùng tiết lộ do trải nghiệm không hài lòng đến từ ngân hàng họ đăng ký.

Bên cạnh đó, ngân hàng Nhà nước trong trong nghị quyết số 2655/QĐ-NHNN đưa ra mục tiêu phấn đấu muộn nhất đến năm 2025 sẽ đưa ra được Chuẩn giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API), đây là cơ sở chính sách và tiêu chuẩn giúp làn sóng BaaS sẽ bùng nổ ở Việt Nam làm dịch chuyển cơ bản mô hình kinh doanh trong hệ sinh thái. Điều này cũng có nghĩa hiện tại không gian thị trường BaaS chưa được khai phá ở Việt Nam.

Ngoài ra, chính sách liên quan đến Chuẩn giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) còn thách thức liên quan đến sử dụng dịch vụ điện toán đám mây, bảo mật dữ liệu người dùng nên rất cần cộng đồng ngân hàng, tài chính ủng hộ và thúc đẩy các cơ quan nhà nước đưa ra chính sách, quy định, chuẩn phù hợp hoặc thông qua cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (regulatory sandbox) nhằm đưa BaaS sớm hình thành trong thực tiễn.

Làn sóng mới BaaS định hình ra hệ sinh thái mới bao gồm: Ngân hàng cung cấp dịch vụ (Providers), nhà cung cấp BaaS (License holders) và những thương hiệu số thuộc tài chính hoặc phi tài chính (Digital Brands) đem đến trải nghiệm cho khách hàng cá nhân thích thú, thông minh, minh bạch hơn và tạo cơ hội sáng tạo nhiều giá trị hơn từ hệ sinh thái. Đây là làn sóng mới không thể đảo ngược. Các lãnh đạo ngân hàng ở Việt Nam cần dõi theo xu hướng, nắm bắt cơ hội khi những rào cản được dỡ bỏ và định hình chính sách, quy định mới. Khi cơ hội chín muồi cần có sự tư vấn nhằm định vị chiến lược phù hợp và có chuẩn bị sẵn sàng năng lực triển khai tiên phong có tính khả thi cao, tạo tiền đề đem tới lợi thế cạnh tranh mới.

--------

DTSVN là công ty chuyển đổi số tiên phong phục vụ riêng các doanh nghiệp trong ngành Tài chính - Ngân hàng tại Việt Nam, cung cấp các giải pháp số hóa mới nhất giúp Ngân hàng, tổ chức tài chính nhanh chóng hoàn thiện hệ thống công nghệ phục vụ Chuyển đổi số. 

Liên hệ ngay để được tư vấn và dùng thử giải pháp tại đây

Chia sẻ: